0866 421 463

Hà Nội

0768 244 335

Hồ Chí Minh

Săn đồ cổ tìm thấy trống đồng nghìn năm ở Sơn La

Máy Dò Pro 3 năm trước 748 lượt xem

    Từ những năm 2005, thỉnh thoảng trên địa bàn huyện Mộc Châu rộ lên thông tin về những người săn tìm đồ cổ dưới xuôi lên đào được nhiều loại đồ vật có giá trị không chỉ về mặt khảo cổ học mà còn rất có giá. Thậm chí, những người săn đồ cổ còn đầu tư nhiều tiền cho những cuộc săn lùng... Thực hư cổ vật có hay không?

    Săn đồ cổ bằng máy dò kim loại dưới đất

    Chuyện bắt đầu từ cuối tháng 2-2009, tại bản Khòng II, xã Chiềng Khoa, Mộc Châu xuất hiện 2 người đàn ông lạ mặt, ăn mặc lịch sự mang theo những bộ đồ nghề cũng khá lạ mắt. Theo lời kể của bà con, 2 người đàn ông rất ít nói, tên là Lập và Bốn ở dưới xuôi lên đây làm ăn, trú tại nhà ông Ngần Văn Đại ở trong bản. Cứ sáng sớm, 2 người đàn ông lân la, dò hỏi dân bản về địa điểm nghi có kim loại dưới lòng đất để dò tìm!

    Sau mấy ngày tìm kiếm trên cơ sở những thông tin dân bản cung cấp, chiếc máy dò tìm kim loại hiện đại đã giúp họ xác định được nơi có kim loại. Đó là gò đồi Na Hé, gần  khu vực ruộng trồng lúa nước của gia đình ông Lò Văn Bộ. Ngay lập tức, cuộc đào tìm được tiến hành với sự tham gia của gần chục người. Trời nhập nhoạng tối, cuộc đào bới như gấp gáp hơn. Hố đào sâu cách mặt đất 1,2 mét thì phát hiện ra một chiếc hộp kim loại hình tròn, bề mặt đã rách. Theo chỉ đạo của Bốn và Lập, mấy người lại tiếp tục bới tìm xung quanh. Được khoảng 10 phút thì phát hiện tiếp một số đồ vật gồm chậu, nồi, bình gốm, trâm cài đầu, sanh đồng, nồi đồng…  Trời tối hẳn, cuộc đào bới kết thúc, hiện vật thu được khá nhiều nhưng những người dân được thuê đào cũng không hiểu gì về giá trị của nó.

    Anh Vì Văn Hiệu, một trong những người tham gia cuộc đào tìm hôm ấy kể lại: Cuối tháng 2, khoảng 11 giờ 30 phút, tôi làm ruộng về đi ngang qua thấy một số người đang đào bới cái gì đấy, tò mò vào xem 2 người lạ nói với tôi và chỉ “đào hòn đá ấy lên rồi trả công”. Tôi đào được khoảng 5 phút rồi thôi và định về ăn cơm thì 2 người lạ mặt nói “những ai đang ở đây thì không được về”. Đến 17 giờ đào xong, 2 người lạ mặt gọi tôi tham gia bê các đồ vật đã được gói kỹ trong bao. Sau này anh Ngần Văn Đại gọi tôi sang nhà đưa cho 1,3 triệu đồng và bảo đấy là phần của tôi, không giải thích gì thêm.

    Anh Lê Văn Cường, bản Khòng II, kể: Cuối tháng 2-2009, tôi đi xem trâu thả dưới ruộng cách nhà 1 km thì thấy mấy người đang khiêng cái gì đó từ một chiếc hố lên mặt ruộng, nghe nói là trống đồng, có hình tròn cao khoảng 60 cm, nặng khoảng 50 kg màu hơi vàng nhạt có đốm xanh xám. Khi kéo lên khỏi mặt đất, anh Ngần Văn Đại (người tham gia đào) bảo tôi khiêng hộ vật đó để bên cạnh ruộng nhà anh Thông cùng bản. Tối hôm sau anh Bình với anh Khổ người cùng bản (người tham gia đào) sang nhà đưa cho 1,3 triệu đồng nói là tiền công. Đến tối ngày 1-3-2009 lại thấy anh Ngần và Bình đưa 600.000 đồng bảo nhờ đưa cho anh Lò Văn Ốt trong bản vì đã chứng kiến vụ việc trên.

    Được biết, tất cả 8 người tham gia đào và vận chuyển “kim loại phế thải” hôm đó đều được trả công. Thậm chí, ngay như anh Hà Văn Tăm, người chỉ vô tình chứng kiến sự việc trên cũng được chia 400.000 đồng với lời đe “không được nói sự việc trên cho ai biết”.

    Kịp thời vào cuộc

    Nhận được thông tin, công an xã Chiềng Khoa đã tiến hành điều tra sơ bộ và báo cáo sự việc lên Công an huyện Mộc Châu. Công an huyện đã nhanh chóng thành lập đội chuyên án và bắt tay vào điều tra để làm rõ sự việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự giúp sức của dân bản, 2 người đàn ông lạ mặt đi săn tìm kim loại phế thải đã được xác định rõ danh tính đó là: Nguyễn Văn Bốn và Đỗ Văn Lập, trú tại thôn Vân Ngoại, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

    Trở lại câu chuyện của Bốn và Lập, sau khi đào được số đồ vật trên, Bốn và Lập đã thuê Ngần Văn Đại, Hà Văn Bống, Vì Văn Hiệu, Ngần Văn Bình khiêng “kim loại phế thải” xuống khu vực bản Suối Tân, cách địa điểm đào 1,5 km và trả cho họ 16,8 triệu đồng (số tiền này đã được chia cho người đào, người chứng kiến). Từ đây, bọn họ dùng xe máy vận chuyển đồ vật về nhà Đỗ Văn Chế (anh ruột của Lập), là thợ rèn ở tiểu khu Thảo Nguyên, thị trấn Nông trường Mộc Châu cất giấu. Riêng chiếc trống đồng, được giấu ở dưới ao sau nhà ông Chế. Ngày 4-3-2009, Công an huyện Mộc Châu đã có mặt tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để “truy tìm” Bốn và Lập cùng số “kim loại phế thải”. Ngay buổi gặp đầu tiên với Công an Mộc Châu, Lập và Bốn đã thừa nhận bỏ tiền mua máy dò tìm kim loại với mục đích tìm cổ vật ở xã Chiềng Khoa và giao nộp lại chiếc trống đồng cùng toàn bộ số đồ vật đã đào được ở xã Chiềng Khoa, Mộc Châu.

    Tìm về gốc gác

    Sau khi thu hồi được chiếc trống đồng và các đồ vật trên, theo kết luận giám định số 34 ngày 22-3-2009 của Bảo tàng tỉnh Sơn La: Chiếc trống đồng có chiều cao 49cm, nặng 50kg, đường kính mặt trống rộng 69cm, có hình hoa văn mặt trời đúc nổi ở rìa mặt trống với 6 tia mảnh, được trang trí hoa văn hình thoi lồng, chân trống choãi. Hiện mặt trống bị rách 1/2. Đây là trống đồng loại II (Hêgơ), có niên đại trên 1.000 năm. Còn các đồ vật khác: Sanh đồng, nồi đồng, chậu đồng, trâm cài tóc… đều là đồ gia dụng thuộc đời nhà Nguyễn. Riêng chiếc bình gốm phủ men rạn màu xanh ngọc được các cán bộ bảo tàng xác định là bình gốm cổ đời nhà Lê...

    Tại buổi làm việc với bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La được biết: Số hiện vật trên là những di sản văn hoá rất có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, nhất là trong công tác bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc và đang đề nghị những hiện vật này cần sớm được làm thủ tục pháp lý để đưa về Bảo tàng Sơn La quản lý.
    Bà Linh còn cho biết thêm: Hầu như trống đồng đều tìm thấy ở các huyện trong tỉnh. So với các tỉnh Tây Bắc thì Sơn La là một trong những địa phương tìm thấy nhiều trống đồng nhất, trong đó có cả trống đồng loại I. Theo nhận định, có thể, Sơn La nằm trên một tuyến đường giao lưu, buôn bán của các lái buôn thời nhà Lê, Nguyễn. Các đồ cổ cùng những di chỉ khảo cổ đã tìm thấy, có thể khẳng định tỉnh ta cũng là một mảnh đất có nhiều các di chỉ khảo cổ học gắn với những gái trị văn hóa, lịch sử khác nhau.

    Cùng với những chiếc mộ táng phát hiện ở những xã vùng dọc sông, nay lại phát hiện thêm trống đồng cùng những đồ cổ có giá trị văn hóa cho thấy nhiều khả năng trên địa bàn huyện Mộc Châu có thể còn ẩn chứa nhiều cổ vật có giá trị. Qua sự việc nêu trên, thiết nghĩ tỉnh ta nên tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Luật Di sản Văn hoá. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác khảo cứu, điều tra, bảo tồn, bảo tàng nhằm phát hiện và lưu giữ, bảo vệ kịp thời những di sản văn hoá của dân tộc.

    Trao đổi với ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng Phòng VHTT huyện Mộc Châu được biết: Năm 2005, tại xã Chiềng Khoa, gia đình ông Lò Văn Dựa đi làm nương đã cuốc phải một chiếc trống đồng. Ông Dựa đã mang về nhà cất giữ và báo cho chính quyền địa phương. Phòng VHTT huyện đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh xác minh và lập biên bản giao lại cho gia đình ông Dựa tự bảo quản theo đúng Luật Di sản văn hóa, chờ ý kiến của tỉnh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2005, gia đình ông Dựa đã bán chiếc trống đồng cho một đối tượng buôn đồ cổ ở Hòa Bình với giá 70 triệu đồng. Cuối năm 2005, các lực lượng chức năng đã tìm ra đối tượng mua trái phép cổ vật, thu hồi chiếc trống đồng và bàn giao lại cho ngành văn hoá. Qua  xác định đây là loại trống đồng loại II (He gơ), có niên đại khoảng 2.000 năm, là một cổ vật có giá trị mang tính lịch sử và văn hóa.

    748 lượt xem, Like và chia sẻ nếu thấy thích nhé !!

    0 Đánh giá sản phẩm này

    Chọn đánh giá của bạn