Nghề tìm vàng tại bãi biển Vũng Tàu
Không phải những bãi đất đá trong thâm sơn cùng cốc với những hang hốc loằng ngoằng ăn sâu vào lòng đất mới có vàng, mới có đội quân ngày đêm đánh đổi cả sinh mạng kiếm tìm.
Ở đây, nơi bãi biển với bờ cát dài đẹp mịn màng như tranh vẽ này cũng có vàng ròng và cả đội quân kiếm tìm chuyên nghiệp. Chuyện lạ kỳ, khó tin đó lại đang tồn tại ở những bãi tắm của biển Vũng Tàu. Một thành phố du lịch nổi tiếng nhất của đất nước. Suốt một ngày rong ruổi cùng những người mò vàng ở bờ biển nơi đây, chúng tôi ghi nhận được nhiều chuyện đời, chuyện nghề thú vị vô cùng.
Nghề độc
Như thường lệ, mỗi dịp đầu xuân năm mới, hàng chục nghìn người đổ xô về bãi biển Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) để tắm biển, tận hưởng cảm giác mát mẻ thư thái của mùa xuân phương nam nắng nóng. Thế nhưng, cũng có những người đến bãi tắm như Bãi Trước, Bãi Sau, Thuỳ Vân … không chỉ để tắm biển mà còn để mò vàng. Vàng nguyên chất, vàng thứ thiệt. Đó là thứ đồ trang sức quý giá mà nhiều lúc, khách tắm biển vô tình để sóng đánh tuột mất, trôi nổi dưới những chân sóng, bên bãi cát dài chi chít những vết chân. Có lẽ, nghề mò vàng ở bãi biển ngày đầu năm mới ở Vũng Tàu là một trong những nghề lạ lùng, thú vị nhất mà chúng tôi từng biết, dù nó cũng rất bấp bênh.
Hơn 9h sáng, khu vực Bãi Sau đã đông nghịt người. Ngoài những du khách ở xa như Biên Hòa (Đồng Nai ), Sài Gòn, Thủ Dầu Một (Bình Dương) thì cũng có hàng ngàn người dân ở các vùng lân cận tìm về bãi biển này. Mọi người ai cũng cố tìm cho mình một cảm giác thư thái nhẹ nhàng bên những con sóng êm đềm trước khi bước vào một năm dài làm việc sắp tới. Trong số đó, có nhiều người đang lặng lẽ mưu sinh bằng nghề … kiếm tìm may mắn.
Người đầu tiên tôi gặp là anh Nguyễn Văn Việt, người đàn ông có nước da cháy nắng. Tâm sự về công việc có phần lạ lẫm này, anh Việt cười bảo: “Nói là nghề nhưng công việc này cũng hên xui và vất vả lắm. Tôi có trang bị một cái máy dò kim loại, đơn giản kiểu như người ta dò ... mìn vậy. Ở phần trước của máy có một bộ phận cảm ứng dạng nam châm, nó sẽ phát ra những tín hiệu khi bắt gặp bất kỳ những kim loại nào như vàng, bạc, sắt, nhôm … Ngoài ra, còn phải có một ống tai nghe để nhận biết tín hiệu và một thanh đòn cầm tay nữa. Hàng ngày, tôi thức dậy lúc 5h sáng, rà rà trên nền cát để phát hiện những đồ trang sức mà du khách tắm biển bị mất do sóng đánh từ hôm trước còn sót lại”.
Kể về những vui buồn trong nghề của mình, anh Việt không giấu giếm: “Cái nghề này nhiều lúc như đánh bạc với biển vậy các chú ơi. Có bữa tưởng ngon ăn, phát tài to rồi ai ngờ hỏng ăn. Chuyện là thế này, hình như đó là bữa mồng 3 Tết hay sao ấy, cũng đoạn lưng chừng mặt trời như thế này, tôi đang cặm cụi dò thì thấy có tín hiệu tít tít khiến tôi mừng rơn. Chầm chậm dò lại, tôi dùng xẻng cạo bớt lớp cát mỏng ở trên để tìm xem vật gì đang ẩn sau lớp cát vàng kia. Làm cái nghề này chuyện đó là bình thường bởi nhiều lúc, một cái nút chai bia cũng làm máy phát ra tín hiệu mà.
Tuy nhiên, lần này thì khác bởi tôi thấy một chiếc lắc tay khá lớn, tròn trịa màu vàng óng ả hiện lên. Vội vã cầm lên, thấy tay tôi nằng nặng nên tôi đoán, cái lắc với những hạt cát nhỏ lấm lem bám vào này có lẽ phải cõ vài chục triệu đồng, hoặc nếu là vàng tây thì cũng tầm hơn chục triệu chứ không ít. Để chắc ăn hơn, tôi đưa lên miệng cắn thử và thấy cứng, không sứt mẻ gì nên đoán chắc chắn là vàng. Thế là tôi lên bờ lấy xe đi tìm chỗ bán, nhưng vì bữa đó vẫn còn tết nên chưa có tiệm nào mở cửa cả. Cuối cùng tìm mãi cũng có một tiệm cầm đồ bên đường Nguyễn An Ninh mở cửa sớm nên vào bán vàng. Sau khi người ta đo tuổi vàng, tôi mới ngã bổ chửng khi biết đó là hợp kim inox có mạ vàng Tây bên ngoài. Thế là cứ tưởng có vàng thật nhưng ai ngờ …”.
Theo những người dân ở vùng Bãi Sau thì người dân miền đông thường có quan niệm, đầu năm mới đi ra biển tắm để mong ước cả năm được mạnh khỏe, rũ bỏ hết những gì của năm cũ để đón một năm mới an lành, sung túc. Vì vậy, chuyện những ngày đầu năm mới người tắm biển đặc kín ở khu vực này là chuyện bình thường. Thế nên, ngoài anh Việt thường do vàng ở khu vực Bãi Sau, còn có một số người nữa cũng làm nghề dò vàng ở cá bãi Thùy Vân, Bãi Dâu, Bãi Trước, những nơi có rất đông người đến tắm biển.
Sống nhờ hên xui
Nhìn bóng dáng người đàn ông lầm lũi cần mẫn cúi mặt sát đất dò từng mô cát nhỏ, giữa những tiếng cười của trẻ em, phụ nữ, thanh niên nam nữ mà chúng tôi không khỏi ái ngại bởi biết đến bao giờ, cái âm thanh nhỏ bé từ chiếc tai nghe mới going lên hồi chuông báo hiệu cơm áo cho anh. Dừng lại cho đỡ chóng mặt, anh Việt kể về cuộc đời mình. Theo đó, năm nay anh Việt 37 tuổi, nhà ở bên đảo Gò Găng (Long Sơn, thành phố Vũng Tàu). Anh có hai đứa con gái nhỏ. Trước đây, gia đình anh đi biển mưu sinh.
Cách đây ít lâu, có lần anh đưa vợ con đi tới khu Bãi Sau này chơi và vô tình nhặt được một chiếc bông tai bằng vàng, bán được hơn hai triệu đồng. Sau lần vô tình trúng quả ấy, anh đã quyết định chuyển sang nghề đi nhặt của rơi này. “Tôi nhờ người ta chế tạo cho mình một cái máy dò kim loại, máy dò vàng đơn giản và hành nghề. Mà cái nghề này lạ lắm các chú ơi, cả tuần đầu tiên tôi không tìm được mảnh vàng, bạc gì và định bỏ nghề thì ông trờì run rủi thế nào … kêu lên tít tít và bữa đó kiếm được một cái lắc vàng tây.
Đến nay, tôi đã đi dò vàng được gần nửa năm trời rồi, nói chung là cũng may rủi chẳng biết đâu mà lường cả. Chỉ hy vọng đợt tết Quý Tỵ này người tắm biển đông, sẽ có thêm cơ hội để mình kiếm sống mà thôi. Vậy nhưng từ hôm tết đến giờ, tôi chỉ kiếm được ba cái bông tai loại nhỏ bằng vàng tây, chắc là của những bé gái, bán cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng, đủ sống. Hi vọng, mấy bữa nữa có thể tìm được … cái dây hay cái lắc thì mới khá lên được”, anh Việt thật thà nói.
Chia tay anh Việt, chúng tôi tìm sang Bãi Dứa, một bãi biển thơ mộng nằm ngay dưới chân tượng phật lớn danh tiếng. Ở đây, ông Tâm, 52 tuôi cũng là một đồng nghiệp của anh Việt bùi ngùi chia sẻ: “Bây giờ ít người đeo vàng làm đồ trang sức lắm bởi như thế dễ bị cướp giật. Mà có đeo cũng khó mà rơi để mà chúng tôi có cơ hội tìm được. Chỉ mong chờ những em nhỏ đeo bông tai, lắc tay bằng vàng tây, vàng non tuổi mà cha mẹ mua làm đồ trang sức khiến chúng ham vui mà bị sóng đánh rơi. Như bản thân tôi đây, từ tết đến giờ, ngày nào cũng lầm lũi đi từ mờ sáng cho tới giữa trưa, về nghỉ chút rồi lại đi dò tới tối mịt mà cũng chỉ kiếm được 5, 6 cái bông tai vàng tây, giá chỉ hơn 3 triệu đồng thôi”.
Sau một hồi trò chuyện, thấy đã thân tình, mặt buồn rầu, ông Tâm bảo, làm nghê này nên mình may mắn thì người khác phải buồn phiền nên nhiều lúc thấy nó bạc bạc thế nào. “Không có người mất của thì mình làm gì có cái cho vào miệng. Nhưng sống trên nỗi đay của người khác cũng khổ lắm. Thế nên khi tìm được món đồ nào đó mà biết rõ người mất, tôi đều cố gắng trả lại dù tiếc đứt ruột. Như hôm rồi ấy, đi cả ngày không kiếm được thứ gì. Mãi chiều thì kiếm được cái bông tai. Chưa kịp mừng thì gặp một cô bé đang mếu máo cùng cha mẹ đi tìm. Nhìn chiến lợi phẩm mà mình vừa dò được, nghxi cũng bán được chút tiền, nhưng nhìn cô bé khóc lóc, tôi chẳng nhấc bước đi được. Đành quay lại trả. Cô bé nhận lại chiếc bông tai của mình đã sung sướng cảm ơn rối rít”, ông Tâm kể.
Những thứ quý hơn cả … vàng ròng
Cũng theo ông Tâm, nghề này có nhiều chuyện bất ngờ, thú vị mà chẳng nghề nào có được. Có lần ông đã dò một sợi dây chuyện bằng inox có gắn một viên bi như bi ve khá lớn, chắc là của người nước ngoài đeo. “Bình thường, mấy cái đồ này bán không được nổi trăm nghìn nhưng run rủi thế nào, sáng hôm sau tôi thấy một ông Tây da trắng cứ cặm cụi tìm kiếm cái gì trên bãi cát ấy. Thấy tôi có cái máy dò, ông ta nhờ anh bảo vệ trên kia lại phiên dịch, hỏi tôi có nhặt được sợi dây chuyện có gắn quả địa cầu tròn tròn của ông ấy không thì trả lại. Khi tôi lấy cái dây tối qua ra, ông ta vui mừng không xiết, rồi gật đầu lia lịa, đưa cho tôi hơn chục tờ tiền đô la bảo cảm ơn”.
Nhận món tiền cảm ơn, bởi chưa tiếp xúc với “ngoại tệ” nên ông Tâm cứ nghĩ ông Tây ấy cho mình vài trăm nghìn đồng gọi là. Nào ngờ khi chiều về, đổi ở ngân hàng phía bên kia đường Nguyễn Tất Thành, thấy được gần 10 triệu đồng, ông đã mừng rơi nước mắt. Hôm sau nghe anh bảo vệ bảo, cái dây đó là kỷ vật của ông ấy, trong quả địa cầu là di cốt của người vợ quá cố mà ông ta luôn mang bên mình, nếu lỡ đánh mất thì ông ấy sẽ ân hận suốt đời. Khi ấy, ngẫm nghĩ, ông Tâm thấy trên đời còn có nhiều thứ quý hơn vàng ròng.
Theo Gia đình và Cuộc sống
0 Đánh giá sản phẩm này
Gửi đánh giá của bạn